Nhiều bạn kỹ sư trẻ sau khi ra trường rơi vào tình trạng "phỏng vấn hoài không đậu", dù từng đứng top lớp, làm đồ án điểm cao, có kỹ năng phần mềm ổn. Cảm giác chán nản là thật, và đôi khi bạn sẽ tự hỏi: “Phải chăng mình không đủ giỏi?”
Câu trả lời là: bạn giỏi đấy, nhưng có thể bạn đang mắc những lỗi rất phổ biến khi đi phỏng vấn mà không nhận ra. Nhất là trong ngành kỹ thuật – nơi nhà tuyển dụng không chỉ cần người “biết làm” mà còn phải “biết thể hiện”.
Cùng điểm lại những lỗi thường gặp khiến nhiều kỹ sư mới ra trường bị loại, và quan trọng hơn: cách khắc phục chúng ngay hôm nay.
Quá thiên về lý thuyết, thiếu dẫn chứng thực tế
Nhiều ứng viên bước vào phỏng vấn với tâm lý “phải thể hiện kiến thức mình đã học”. Thế là nói thật nhiều về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ này nọ... nhưng lại không có ví dụ thực tế nào để minh họa. Kết quả? Nhà tuyển dụng không biết bạn làm được gì ngoài việc học giỏi.
Giải pháp: Đừng chỉ nói mình biết Revit, AutoCAD hay BIM – hãy kể bạn đã dùng nó cho đồ án nào, làm được hạng mục gì, có gặp khó khăn không và bạn xử lý ra sao. Dù là dự án nhỏ, nhưng đó là điều nhà tuyển dụng muốn nghe.
Không tìm hiểu kỹ về công ty
Một trong những điều khiến nhà tuyển dụng “tụt mood” nhất chính là: hỏi gì về công ty cũng… không biết. Bạn ứng tuyển nhưng không nắm rõ công ty làm gì, khách hàng ra sao, vị trí đó yêu cầu gì. Điều này khiến bạn bị đánh giá là thiếu nghiêm túc và “gửi CV đại”.
Trước buổi phỏng vấn, lên Google, xem website, fanpage hoặc LinkedIn của công ty. Biết càng rõ, bạn trả lời càng chắc. Và bạn sẽ dễ ghi điểm với câu: “Em có xem dự án A của công ty, rất muốn được tham gia những dự án như vậy.”
Giao tiếp thiếu tự tin, trả lời quá ngắn
Không ít kỹ sư trẻ ngại nói chuyện, nói lí nhí hoặc trả lời cụt lủn kiểu: “Dạ có… Dạ không… Dạ em chưa biết…” Điều đó làm bạn trở nên “lạnh” trong mắt nhà tuyển dụng, dù bạn có giỏi kỹ thuật đến đâu.
Luyện cách trả lời mạch lạc, rõ ý. Đừng cố nói quá dài, nhưng hãy trả lời đủ để người nghe hiểu bạn đang nói gì. Cũng đừng quên cười nhẹ, nhìn thẳng (nhưng không gắt), và luôn thể hiện tinh thần tích cực.
Không cho thấy tinh thần học hỏi
Bạn không cần phải biết hết mọi thứ. Nhưng bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy rằng: bạn có thể học, và sẵn sàng học. Nhiều ứng viên chỉ chăm chăm vào mức lương, môi trường làm việc mà quên mất điều quan trọng hơn: liệu mình có phù hợp, có cầu tiến không?
Hãy nói về những gì bạn đang học thêm, công nghệ bạn quan tâm, phần mềm bạn đang tự tìm hiểu (ví dụ: Revit, Navisworks, Primavera…). Điều này cho thấy bạn chủ động và không ngại thử thách.
CV nhìn sơ sài, không làm nổi bật điểm mạnh
CV là thứ nhà tuyển dụng xem trước cả khi gặp bạn. Nếu CV của bạn không có gì nổi bật, trình bày sơ sài, không nhấn vào kỹ năng phần mềm hay dự án đã làm – bạn sẽ mất cơ hội, kể cả khi bạn thật sự có năng lực.
Hãy dành thời gian đầu tư CV:
- Dùng layout rõ ràng, dễ đọc
- Nêu rõ kỹ năng phần mềm bạn sử dụng được
- Thêm 1–2 dự án bạn từng làm (ngắn gọn thôi cũng được)
- Mỗi kỹ năng nên gắn với một kết quả hoặc trải nghiệm cụ thể
Đừng để “giỏi mà vẫn trượt”
Thật tiếc nếu bạn có năng lực mà không thể truyền tải điều đó đến nhà tuyển dụng chỉ vì mắc những lỗi nhỏ. Nhưng tin vui là: tất cả đều có thể cải thiện được, và bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay.
Nếu bạn là một kỹ sư mới ra trường đang tìm việc, hãy dừng lại vài phút để xem lại CV, luyện lại cách giới thiệu bản thân, tìm hiểu kỹ hơn công ty sắp phỏng vấn. Và quan trọng nhất: luôn giữ tinh thần cầu tiến, tích cực, sẵn sàng bắt đầu từ con số 0.
Cơ hội sẽ đến với người biết chuẩn bị kỹ. Và bạn xứng đáng có một khởi đầu tốt trong sự nghiệp kỹ thuật.