Trong hành trình tìm việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật như cơ khí, xây dựng, điện hay BIM, CV (Curriculum Vitae) thôi là chưa đủ. Để thực sự nổi bật trước hàng chục ứng viên khác, bạn cần trang bị thêm một “vũ khí bí mật” - đó là Cover Letter (Thư xin việc).
Cover Letter là gì?
Cover Letter (hay còn gọi là thư xin việc, thư ngỏ) là một văn bản ngắn, đi kèm với CV, dùng để giới thiệu bản thân, trình bày lý do ứng tuyển và thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp với vị trí họ đang tuyển.
Nếu như CV liệt kê quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng, thì Cover Letter là nơi bạn tóm tắt và làm nổi bật những điểm mạnh nhất của mình. Một Cover Letter ấn tượng sẽ giúp bạn ghi điểm ngay từ vòng lọc hồ sơ.
Vì sao bạn không nên sao chép mẫu thư xin việc trên mạng?
Nhiều ứng viên thường sử dụng các mẫu thư xin việc có sẵn mà không chỉnh sửa nội dung theo vị trí ứng tuyển. Điều này khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn thiếu sự đầu tư và nghiêm túc.
Một Cover Letter được cá nhân hóa không chỉ thể hiện thái độ chuyên nghiệp, mà còn cho thấy bạn là người:
- Có khả năng phân tích thông tin
- Biết cách lập luận và chọn lọc điểm mạnh phù hợp
- Quan tâm thực sự tới công việc và công ty ứng tuyển
- Đây đều là những phẩm chất rất cần thiết cho các công việc kỹ thuật - nơi đòi hỏi sự chính xác, logic và cam kết lâu dài.
Cách viết một Cover Letter hoàn chỉnh cho ngành kỹ thuật
1. Lời chào đầu thư
Hãy bắt đầu thư bằng cách gọi tên cụ thể nhà tuyển dụng, ví dụ:
"Dear anh Nguyễn Văn A - Trưởng phòng Nhân sự"
Nếu không biết chính xác tên, bạn có thể dùng:
"Dear Phòng Nhân sự Công ty ABC"
"Dear Quý anh/chị HR"
Lưu ý: Tuyệt đối tránh ghi sai tên công ty hoặc người nhận - điều này có thể khiến bạn bị loại ngay từ đầu.
2. Đoạn mở đầu: Giới thiệu mục tiêu
Trình bày ngắn gọn bạn là ai, đang ứng tuyển vị trí nào, và bạn biết đến công việc này qua đâu.
Ví dụ:
Tôi tên là Nguyễn Văn B, kỹ sư cơ khí với hơn 3 năm kinh nghiệm. Tôi viết thư này để bày tỏ mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Kỹ sư Thiết kế Cơ khí tại Công ty ABC, thông qua thông tin tuyển dụng trên CADjob.vn.
3. Nội dung chính: Lý do và điểm mạnh
Đây là phần quan trọng nhất. Hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?
- Điều gì khiến bạn phù hợp với vị trí đó?
- Kinh nghiệm nào giúp bạn đáp ứng yêu cầu công việc?
- Tại sao bạn chọn công ty này, chứ không phải nơi khác?
Gợi ý: Hãy tập trung vào những dự án kỹ thuật cụ thể, phần mềm bạn đã sử dụng (như AutoCAD, Revit, SolidWorks...), và kết quả bạn từng đạt được.
4. Đoạn kết: Khẳng định và kêu gọi hành động
Tóm lại mong muốn của bạn, thể hiện thiện chí hợp tác và đề cập đến việc đã đính kèm CV.
Ví dụ:
Tôi tin rằng với kinh nghiệm và sự đam mê kỹ thuật, tôi sẽ là ứng viên phù hợp với vị trí đang tuyển. Tôi mong sớm có cơ hội trao đổi thêm trong buổi phỏng vấn để chia sẻ chi tiết hơn về những giá trị tôi có thể mang lại cho công ty. CV chi tiết tôi đã đính kèm cùng thư này.
Đừng quên gửi lời cảm ơn chân thành ở cuối thư.
Một số lưu ý khi viết Cover Letter ngành kỹ thuật:
- Không nên dài quá 1 trang A4
- Sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, đúng chính tả
- Tránh dùng các cụm từ quá chung chung (như: “tôi là người chăm chỉ, ham học hỏi…”)
- Định dạng văn bản chuyên nghiệp: font chữ dễ đọc, căn lề hợp lý
Kết luận
Một Cover Letter ngành kỹ thuật được đầu tư kỹ lưỡng không chỉ là tấm vé giúp bạn vượt qua vòng hồ sơ, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và khác biệt của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy theo dõi chuyên mục Hướng dẫn nghề nghiệp tại CADjob.vn - nơi cung cấp mẫu Cover Letter, CV chuẩn ngành kỹ thuật, cùng nhiều cơ hội việc làm kỹ sư, BIM, cơ khí, xây dựng... đang chờ bạn ứng tuyển!